Trong kiến trúc nhà ở hiện đại, các gia đình thường tận dụng khoảng trống dưới gầm cầu thang để bố trí nhà vệ sinh hoặc kho lưu trữ. Tuy nhiên, nếu nhà đủ rộng, bạn có thể thiết kế tiểu cảnh ở khu vực này, tạo điểm nhấn sinh động cho không gian sống. Để tiểu cảnh cầu thang vừa đẹp mắt, hài hòa với tổng thể chung, vừa đảm bảo phong thủy tốt, bạn cần nắm rõ những nguyên tắc cơ bản sau đây.
Tiểu cảnh cầu thang là gì?
Tiểu cảnh cầu thang là tên gọi tắt của tiểu cảnh dưới gầm cầu thang hoặc chân cầu thang. Tiểu cảnh là sự sắp xếp và bài trí kết hợp những yếu tố như cây xanh, tượng, đá, thác nước mini, tranh đá treo tường… Về cơ bản, có 2 loại tiểu cảnh mini cho gầm cầu thang là tiểu cảnh khô và tiểu cảnh nước.
– Tiểu cảnh khô:
Khoảng trống tối tăm dưới gầm cầu thang sẽ được thay thế bằng tiểu cảnh khô đẹp mắt với ánh đèn trang trí, đá sỏi trắng rải dưới nền, xung quanh là các chậu cảnh nhỏ xanh mướt. Cùng với đó, bạn có thể trang trí thêm các con vật như vịt, hươu, nai, nhà cửa dạng mini để tạo điểm nhấn sinh động cho tiểu cảnh cầu thang.
Tiểu cảnh cầu thang giúp tận dụng tối đa diện tích nhà, đồng thời tạo điểm nhấn sinh động cho không gian sống. |
Ưu điểm của tiểu cảnh khô là thiết kế đơn giản, không quá cầu kỳ nhưng vẫn đủ để tạo nên sự khác biệt, độc đáo cho không gian mà nó hiện diện. Mặt khác, so với tiểu cảnh nước, giá thành thiết kế tiểu cảnh khô mềm hơn. Đồng thời, với tiểu cảnh khô, bạn không phải tốn công sức chăm sóc, làm sạch thường xuyên và dễ dàng thay đổi về sau.
– Tiểu cảnh nước:
Tiểu cảnh nước dưới gầm cầu thang cũng được nhiều gia đình lựa chọn bởi nước tạo cảm giác mát mẻ, sinh sôi và sống động. Một bể cá nhỏ hoặc hòn non bộ mini kết hợp thác nước nơi chân cầu thang vừa góp phần điều hòa nhiệt độ, độ ẩm vừa mang đến vẻ tươi mới, sinh động cho không gian sống.
Tùy vào diện tích gầm cầu thang, điều kiện tài chính và sở thích, gia chủ có thể lựa chọn thiết kế tiểu cảnh nước theo phong cách châu Á hoặc châu Âu. Hai phong cách này có sự khác biệt nhất định. Tiểu cảnh nước theo kiểu châu Á thường sử dụng mặt nước tĩnh kết hợp cùng cây xanh, non bộ tạo cảm giác tĩnh lặng, yên bình. Trong khi đó, người châu Âu lại chuộng sử dụng mặt nước động, thác nước hoặc đài phun nước để tạo điểm nhấn ấn tượng.
Hai mẫu thiết kế tiểu cảnh nước phong cách châu Á và châu Âu. |
Ưu điểm của tiểu cảnh cầu thang
Trước đây, gầm cầu thang trong kiến trúc nhà ở thường bị bỏ phí, lãng quên hoặc được tận dụng làm phòng vệ sinh, nhà kho lưu trữ đồ đạc. Tuy vậy, trong những năm gần đây, xu hướng thiết kế tiểu cảnh cầu thang ngày càng trở nên phổ biến bởi những ưu điểm vượt trội mà nó mang lại.
Thứ nhất, việc thiết kế tiểu cảnh cầu thang giúp gia chủ tận dụng được tối đa diện tích, tối ưu hóa không gian sống, tránh để góc trống trong nhà ẩm mốc, bụi bặm, mất thời gian vệ sinh trong khi không dùng tới.
Thứ hai, nếu được bài trí khéo léo, tiểu cảnh cầu thang sẽ trở thành điểm nhấn ấn tượng, mang các mảng xanh thiên nhiên vào không gian nhà phố. Không chỉ giúp thanh lọc không khí, tiểu cảnh còn có tác dụng thư giãn, giảm căng thẳng sau một ngày dài làm việc, học tập mệt mỏi.
Thư ba, gầm cầu thang được xem là góc chết trong kiến trúc nhà phố hiện đại. Góc chế này có sát khí khá mạnh, có thể ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của những người sống trong nhà. Do đó, việc tận dụng gầm cầu thang để bài trí tiểu cảnh sẽ giúp hóa giải sát khí này.
Lựa chọn tiểu cảnh cầu thang phù hợp
Đối với gầm cầu thang có dốc vừa phải
Gia chủ nên chọn tiểu cảnh khô cho cầu thang có độ dốc vừa phải. Thay vì khoảng trống tối tăm, gầm cầu thang nhà bạn sẽ trở nên sáng sủa, sinh động và hút mắt hơn với những chậu cây nhỏ xinh xanh mướt hoặc vài khóm hoa rực rỡ khoe sắc. Trên nền sỏi trắng, bạn hãy kết hợp thêm một vài phụ kiện trang trí tông màu tương phản.
Mẫu thiết kế tiểu cảnh khô đơn giản dưới gầm cầu thang với cây xanh, đá sỏi, thảm cỏ nhân tạo kết hợp ăn ý cùng đèn chiếu sáng tạo điểm nhấn. |
Đối với gầm cầu thang cao rộng
Nếu gầm cầu thang cao rộng, bạn có thể trang trí cầu kỳ hơn bằng tiểu cảnh nước. Trong trường hợp này, chủ nhân có thể ốp đá và phù điêu lên khoảng tường lớn ngay cạnh gầm cầu thang, sau đó gắn đài phun nước lên tường để tạo dòng chảy mềm mại, sống động xuống phía dưới. Mặt khác, gia chủ cũng có thể sử dụng thác nước, tường nước nhằm mang đến vẻ đẹp duyên dáng, uyển chuyển cho bức tường.
Gầm cầu thang cao rộng là không gian phù hợp để thiết kế tiểu cảnh nước sinh động. |
Đối với gầm cầu thang xoắn ốc
Thông thường, gầm cầu thang xoắn ốc tương đối rộng và thoáng nên chủ nhân có thể bài trí tiểu cảnh phá cách, độc đáo để tạo điểm nhấn ấn tượng cho ngôi nhà. Chẳng hạn, vài ba chậu cây có chiều cao trung bình kết hợp với những cây bụi nhỏ xen kẽ, cạnh đó là một vài bức tượng hoặc chiếc bình hình khối đặc biệt kiến tạo không gian thư giãn vừa gần gũi, vừa đậm chất nghệ thuật.
Nhìn từ trên cao xuống, tiểu cảnh dưới gầm cầu thang xoắn ốc tựa như một sân vườn thu nhỏ. |
Làm thế nào để thiết kế tiểu cảnh cầu thang vừa đẹp vừa hợp phong thủy?
Vật liệu kết hợp truyền thống và hiện đại
Những nguyên vật liệu truyền thống để thiết kế tiểu cảnh cầu thang gồm đá sỏi, xi măng, đá hòn non bộ, cây xanh, tượng con vật, tượng người, bóng đèn điện, vòi phun nước… Để tiết kiệm thời gian và công sức, các gia đình thường sử dụng những sản phẩm có sẵn để trang trí tiểu cảnh cầu thang như đài phun nước, tiểu cảnh non bộ, hòn non bộ.
Với sỏi, bạn nên sử dụng sỏi hai màu trở lên để không gây cảm giác nhàm chán. Với đá, nên chọn mẫu đá cuội màu sắc đa dạng, hình dáng bo tròn mềm mại. Việc sắp xếp các loại sỏi đá cũng cần hài hòa, khéo léo để kiến tạo khung cảnh tự nhiên nhất có thể.
Hiện nay, đá nhân tạo và vật liệu tổng hợp composite được cho là lựa chọn thích hợp bởi với những vật liệu này, tiểu cảnh nước sẽ không bị thấm, tiểu cảnh khô sẽ rất bền màu, dễ tạo hình, tạo khối.
Đối với cây xanh trồng dưới gầm cầu thang, gia chủ nên chọn loại cây thấp, ưa bóng râm, dễ chăm sóc và mang lại phong thủy tốt như cây dương xỉ, cây vạn niên thanh, cây bạch mã, cây hồng môn, kim ngân…
Ánh sáng trắng hoặc màu
Yếu tố ánh sáng rất quan trọng với tiểu cảnh cầu thang, quyết định tính thẩm mỹ của không gian này. Trước hết, cần tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên để giúp cây phát triển tốt, tăng dương khí cho khu vực vốn ẩm thấp, tối tăm. Mặt khác, bạn cũng nên lắp đặt thêm hệ thống đèn chiếu sáng ánh sáng trắng hoặc màu tùy thích để tạo cảm giác lung linh, sinh động vào ban đêm. Các loại đèn trang trí, dải đèn LED được nhiều gia chủ tận dụng triệt để trong thiết kế tiểu cảnh.
Với tiểu cảnh cầu thang, bạn nên trang trí thêm đèn LED, đèn chiếu sáng điểm để tạo điểm nhấn lung linh khi đêm xuống. |
Trang trí đồng bộ bức tường gầm cầu thang
Trang trí bức đồng bộ bức tường gầm cầu thang là khâu không thể bỏ qua khi thiết kế tiểu cảnh khu vực này. Thông thường, các gia đình thường chọn ốp phù điêu hoặc đá tự nhiên lên các mảng tường. Cách trang trí này vừa đơn giản, vừa hài hòa với các yếu tố tự nhiên của tiểu cảnh, đồng thời tạo được điểm nhấn ấn tượng.
Ngoài ra, bạn cũng có thể ốp gạch họa tiết sinh động hoặc treo tranh đất nung, tranh gốm sứ phong cảnh làng quê yên bình, giúp xua tan vẻ đơn điệu, cục mịch của bức tường bê tông. Thực tế cho thấy, sự kết hợp ăn ý giữa đường sỏi đá, cây xanh và bức tường sẽ tạo nên tổng thể tiểu cảnh hài hòa, đẹp mắt.
Không gian trống dưới gầm cầu thang được gia chủ khéo léo tận dụng bố trí phòng vệ sinh nhỏ gọn và tiểu cảnh nước sinh động. Một chút phá cách với đèn LED, bức tường cạnh cầu thang trở thành tâm điểm hút mắt. |
Vệ sinh thường xuyên
Tiểu cảnh cầu thang nếu được thiết kế hợp lý không những giúp gia tăng giá trị thẩm mỹ cho ngôi nhà mà còn mang lại phong thủy tốt. Tuy nhiên, để tiểu cảnh phát huy tối đa những tác dụng này, chủ nhân nên thường xuyên quét dọn, vệ sinh bức tường, lá cây, thậm chí cả sỏi đá và phụ kiện trang trí. Đặc biệt, bạn nên dành thời gian để chăm bón, cắt tỉa cành giúp cây phát triển xanh tốt quanh năm, thanh lọc không khí, tạo cảm giác mát mẻ cho không gian sống.
Riêng với tiểu cảnh nước, gia chủ cần lưu ý tới vấn đề chống thấm để đề phòng tường bị ngấm nước gây ẩm mốc, nứt nẻ mất thẩm mỹ. Đồng thời, khu vực này sẽ thường xuyên ẩm thấp, là môi trường thuận lợi cho muỗi và các loại côn trùng sinh sản, ẩn nấp. Do đó, cần thiết kế sao cho nước có thể chảy thường xuyên, tuần hoàn bằng cách tạo một dòng suối nhỏ, dốc.
Cân nhắc thiết kế bể cá, hòn non bộ có thác nước
Gầm cầu thang theo phong thủy ngũ hành thuộc hành Hỏa. Trong khi đó, bể cá hoặc hòn non bộ có thác nước lại là yếu tố thuộc hành Thủy, mang tính động cần không gian thoáng đãng và chuyển động thường xuyên. Do đó, việc bài trí bể cá hoặc hòn non bộ có thác nước ở gầm cầu thang mang tính tĩnh là không phù hợp, tạo sự xung đột Thủy – Hỏa, gia tăng sát khí, không tốt cho phong thủy tổng thể của ngôi nhà.
Riêng với gầm cầu thang dạng xương cá, cầu thang ngoài trời hoặc cầu thang ngay cạnh giếng trời, chủ nhân có thể bài trí bể cá cảnh bởi loại cầu thang này giúp lấy sáng tự nhiên tối đa cho ngôi nhà, có dương khí chiếu vào, xua tan sự ẩm thấp và tăm tối.
Trên thực tế, tiểu cảnh cầu thang nói riêng và tiểu cảnh nói chung là một trong những hạng mục dễ bị gia chủ “bỏ rơi” sau một thời gian ngắn sử dụng bởi quá bận rộn. Chính vì vậy, các kiến trúc sư khuyên rằng, nếu thực sự đam mê yêu thích thì gia chủ mới nên đầu tư tiểu cảnh, tránh chạy theo phong trào rồi bỏ bẵng, rất lãng phí.
Theo Báo mới