Đông y gọi viêm lợi, miệng hôi ở trẻ em là cam miệng (nha cam khẩu xú). Nguyên nhân do vị cảm nhiễm nhiệt tà gây ra miệng hôi, lợi sưng thũng; hoặc do nhiệt tà trùng thống xâm nhập gây miệng hôi, chân răng và lợi sưng, lợi vùng chân răng đen hoặc có mủ.
Trẻ có triệu chứng chủ yếu là miệng môi lở loét, miệng hôi kèm theo chảy nước dãi; nước mũi chảy nhiều; chân răng chảy máu sau khi ăn, đánh răng, xỉa răng. Bệnh xảy ra thời kỳ răng sữa làm răng mất lớp men trắng, trở thành màu vàng xám hoặc đen, hoặc bị ăn mòn. Trẻ chậm phát triển, ăn uống kém, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn vàng, người mệt mỏi, da khô ráp, mạch tế sác. Phương pháp điều trị là thanh vị khu phong, bài trùng.
Bài thuốc uống: Dùng một trong các bài:
Bài 1: Cam lộ ẩm: cam thảo 4g, tỳ bà diệp 5g, chỉ xác 5g, thiên môn đông 6g, mạch môn 6g, sinh địa 6g, thục địa 6g, nhân trần 6g, thạch hộc 6g, hoàng cầm 6g. Sắc uống trong ngày.
Tỳ bà diệp là vị thuốc trong bài “Cam lộ ẩm” trị viêm lợi thời kỳ răng sữa.
Bài 2: ý dĩ 70g, hoài sơn 100g, hạt sen 100g, đậu ván trắng 100g, mạch nha 70g, gạo nếp 200g, sơn tra 70g, sử quân tử 30g, thần khúc 30g, đường trắng vừa đủ làm viên. Các vị sao vàng tán bột mịn; đường trắng hòa ít nước và cô lại thành châu. Làm viên bằng hạt đậu xanh; sấy khô, đóng lọ kín. Trẻ em 1 – 3 tuổi mỗi lần uống 10 – 20 viên; từ 3 – 7 tuổi mỗi lần uống 20 – 40 viên; từ 7 – 12 tuổi mỗi lần uống 40 – 50 viên. Ngày uống 2 lần với nước ấm. Trị các chứng cam tích, trẻ ăn uống kém, gầy còm, giun sán, đi ngoài phân sống.
Thuốc tại chỗ: Dùng một trong các bài:
Bài 1: đồng thanh 4g, bằng sa 4g, xuyên tiêu 10g. Tán thành bột mịn. Súc miệng sạch, xát thuốc vào chân răng.
Bài 2: thanh đại 2g, hùng hoàng 2g, băng phiến 2g, bạch phàn 4g, bằng sa 4g, lô hội 4g. Các vị tán bột mịn. Súc miệng sạch, chấm thuốc vào chân răng và lợi.
Lưu ý: Vệ sinh răng miệng hàng ngày. Súc miệng nước muối và ngậm thuốc theo chỉ dẫn của thầy thuốc. Khi răng đau, chân răng sưng đau, cần kiểm tra và chữa trị sớm. Ăn thức ăn mềm dễ nhai, không ăn thức ăn cay nóng.
Theo suckhoedoisong