Các dược liệu này sau khi ngâm tẩm bằng rượu, có thể sử dụng độc vị, hoặc phối hợp với các vị thuốc hình thành bài thuốc ngâm rượu, hoặc sắc uống có tác dụng bồi bổ cơ thể sau khi suy nhược về khí huyết, ngũ tạng hư suy, giúp cân bằng âm dương phòng và chữa bệnh rất tốt, hiệu quả góp phần cải thiện sức khỏe.
Hà thủ ô:
Hà thủ ô đỏ chế với rượu: lấy hà thủ ô rửa sạch thêm rượu, ủ mềm thái phiến. Phơi âm can.
Hà thủ ô chưng rượu: hà thủ ô trộn đều với rượu, chưng đến chín, phơi khô, làm lặp lại 3 lần.
Hà thủ ô chưng đậu đen và rượu: đậu đen nấu kỹ, lấy nước, dùng nước này trộn với rượu. Đem hỗn dịch này trộn đều với hà thủ ô. Ủ trong 4 giờ, sau đó đem chưng 24 giờ liền đến khi dịch ngấm hết vào hà thủ ô, thái phiến. Phơi khô.
Hà thủ ô là thuốc bổ can thận, điều hòa khí huyết, bổ huyết. Các sản phẩm chế biến có tác dụng tăng cường bổ thận tư âm dưỡng huyết. Ở các sản phẩm hà thủ ô chế, hàm lượng tanin và anthraglycosid toàn phần giảm đi hơn nửa.
Hoàng bá chích rượu: trộn đều rượu vào hoàng bá, ủ 30 phút đến khi ngấm hết, dùng lửa nhỏ sao tới khô, hoặc sao hoàng bá phiến tới nóng già thì vấy rượu vào, trộn đều, sao nhỏ lửa tới khô. Cũng có thể sao hoàng bá tới nóng già rồi vẩy nước muối vào, trộn đều sao khô. Hoàng bá là thuốc thanh nhiệt táo thấp dùng tốt cho thanh thấp nhiệt hạ tiêu, các trường hợp viêm nhiễm tiết niệu, mụn nhọt lở hạ tiêu. Chế rượu dùng cho thượng tiêu bị hỏa, đau nhọt, lở miệng.
Hoàng cầm
Hoàng cầm tẩm rượu: cho rượu vào hoàng cầm trộn đều, để ngấm 10 phút. Dùng lửa nhỏ sao đến màu vàng thẫm. Cũng có thể sao hoàng cầm đến nóng rồi phun rượu vào, sao đến khi khô. Hoàng cầm là vị thuốc thanh nhiệt táo thấp, có tác dụng tốt với phế nhiệt. Ngoài ra còn có tác dụng giải độc, an thai, dùng tốt khi bị động thai chảy máu. Chế với rượu để dẫn thuốc lên thượng tiêu.
Hoàng liên:
Hoàng liên ủ rượu: lấy hoàng liên, thêm rượu, ủ kỹ; thái phiến; phơi âm can.
Hoàng liên trích rượu: đem hoàng liên phiến, tẩm rượu, ủ, sao nhỏ lửa đến khô thì dừng, phun rượu vào, sao nhỏ lửa đến khô. Hoàng liên có tác dụng thanh nhiệt táo thấp, dùng để thanh tâm hỏa, táo thấp giải nhiệt độc, dùng sống thanh tâm hỏa trị lỵ nhiệt. Khi sao chế làm giảm tính hàn. Nếu tẩm rượu, khí vị hoàng liên dẫn lên thượng tiêu với công năng trừ hỏa độc của đầu, mặt.
Hoàng kỳ trích rượu: đem rượu tẩm đều vào hoàng kỳ phiến, ủ 1 giờ cho ngấm đều, sao khô. Công dụng: tác dụng bổ khí, cố biểu trừ mủ, sinh cơ. Chế rượu bổ hư.
Hoàng tinh chế rượu: trộn đều rượu vào hoàng tinh, ủ 30 phút rồi đem chưng đến khi có màu đen. Dịch nước chưng dùng tẩm vào hoàng tinh rồi đem phơi, làm nhiều lần, tới khi sờ không dính tay. Cũng có thể chỉ dùng riêng hoàng tinh sau mới thêm rượu vào, trộn đều rồi chưng tiếp tới khi có mầu đen sau phơi tới khô. Hoàng tinh là thuốc bổ âm được dùng bổ phế sinh tân dịch, kiện tỳ vị bồi dưỡng cơ thể nhất là những bệnh nhân lao, bệnh mới ốm dậy, thiếu máu, người khô háo.
Hồng hoa
Hồng hoa chích rượu: phun rượu vào hồng hoa sao nhỏ lửa. Công dụng: thuốc hoạt huyết hóa ứ, thông kinh chỉ thống. Dùng trong các trường hợp đau do huyết ứ như đau bụng kinh, bế kinh. Sao tồn tính được dùng trong các trường hợp vừa có huyết ứ vừa xuất huyết như sang chấn. Chích rượu tăng khả năng phá huyết của hồng hoa.
Hương phụ:
Hương phụ chích rượu: đem hương phụ trộn đều ủ với rượu, ủ cho rượu hút hết, sao tới khô hoặc phơi khô.
Hương phụ chích gừng, muối, giấm, rượu: giã gừng thêm nước, lọc lấy dịch nước gừng, thêm 3 phụ liệu còn lại vào nước gừng, quấy đều, trộn hỗn dịch này vào hương phụ. Ủ 1 đêm cho hút hết. Sao lửa to tới khô hoặc phơi khô.
Hương phụ chích giấm, rượu, muối, mật ong: hương phụ sao nóng già, lần lượt phun giấm sao, phun muối sao, cho mật ong hòa loãng, vảy vào hương phụ, sao nhỏ lửa tới khô. Đổ ra để nguội thêm rượu vào, trộn đều ủ cho hút hết rượu, sao nhỏ lửa tới khô.
Hương phụ chích giấm, rượu, đồng tiện, muối: phụ liệu sau khi trộn hỗn hợp, thêm nước cho đủ để tẩm vào hương phụ trộn đề, ủ để hút hết phụ liệu. Sao khô.
Hương phụ chích rượu, gừng, giấm, đồng tiện: đem phụ liệu trộn đều rồi tẩm vào hương phụ, ủ 2 giờ cho ngấm hết. Sao cho đến khi hơi cháy.
Hương phụ nấu với giấm, rượu, muối: đem phụ liệu trộn đều rồi cùng nấu với hương phụ 8 – 10 giờ, ủ 12 giờ. Đổ ra phơi khô và cho vào bao tải, đập sảy lông, sàng sảy sạch.
Hương phụ chưng với rượu, giấm: trộn đều phụ liệu vào hương phụ, thêm nước chưng 1 ngày, ủ 1 đêm, tiếp tục chưng 3 ngày, ủ 3 đêm. Phơi khô, đập bỏ lông, vỏ ngoài.
Công dụng: thuốc hành khí, dùng để lợi khí giải uất, điều kinh, chỉ thống. Dùng chữa kinh nguyệt không đều, rối loạn tiêu hóa. Chế rượu thông kinh lạc.
Hy thiêm:
Hy thiêm chế rượu: cho rượu vào hy thiêm, trộn đều phơi khô hoặc sấy ở nhiệt độ thấp. Cũng có thể sau khi tẩm rượu, ủ mềm, dùng lửa to, đổ 3 – 4 giờ liền, ủ 12 giờ. Phơi khô.
Hy thiêm chế với mật ong và rượu: hòa mật ong và hy thiêm (chủ yếu lá và cành nhỏ). Đem đồ chín, phơi khô. Làm như vậy 9 lần. Cũng có thể đem rượu tẩm vào hy thiêm, rồi đem chưng 24 giờ, ủ 12 giờ, làm 9 lần như vậy, mỗi lần đều thêm rượu. Lần cuối cùng thêm mật vào trộn đều sao khô. Hy thiêm là vị thuốc trừ phong thấp lợi gân cốt. Dùng cho những người đau nhức gân xương. Chế với rượu tăng tác dụng thông kinh hoạt lạc của vị thuốc, dùng tốt cho những bệnh phong hàn thấp tý.
Ích mẫu:
Ích mẫu chích rượu: cho rượu vào ích mẫu, trộn đều, ủ 1 đêm. Dùng nhỏ lửa sao đến khi có màu hơi đen.
Ích mẫu chích giấm, rượu: tẩm giấm vào ích mẫu, ủ sao vàng. Cho rượu vào ích mẫu, đem chưng tới khi thấy rượu bốc mạnh lên trên thì ngừng.
Công dụng: thuốc hoạt huyết, thông kinh. Dùng trong các bệnh huyết ứ gây đau như bế kinh, đau bụng kinh.
Kê quan hoa: kê quan hoa sao đến mềm hơi vàng. Phun đều rượu, sao tới khô. Thuốc có tác dụng chỉ huyết thanh huyết nhiệt. Dùng trong các trường hợp huyết nóng gây chảy máu cam, đại tiểu tiện ra huyết, lỵ huyết, băng huyết.
Kê nội kim ngâm rượu: lấy kê nội kim đã phơi khô, ngâm với nước ấm từ 1 – 2 giờ, rửa sạch. Lấy cồn 750 ngâm 30 phút. Vớt ra phơi âm can, sau đó sấy ở nhiệt độ thấp cho khô. Thuốc có tác dụng tiêu thực, khai vị, hóa thạch thông lâm. Dùng trong các bệnh bụng đầy trướng nôn mửa, viêm ruột, tiểu tiện ra máu.
Thương nhĩ tử tẩm rượu: đem rượu trộn đều vào thương nhĩ tử đã bỏ gai ủ 30 phút đến 1 giờ, sau đem đồ chín, đổ ra phơi khô. Thuốc có tác dụng phát tán, trừ phong thấp, đau nhức, phong thấp thượng tiêu đau xoang mũi, viêm mũi đau nhức, còn có tác dụng thanh nhiệt giải độc, dùng trị bệnh mụn, sang lở hoặc bướu cổ.
Long cốt tẩm rượu: tẩm rượu vào long cốt để 1 đêm, sau sấy khô, tán bột, dể được bột mịn và không khét có thể dùng theo phương pháp thủy phi. Công dụng an thần, dùng trong các bệnh tinh thần bất an, mất ngủ, cố sáp, dùng trong bệnh ra mồ hôi nhiều, tả lỵ lâu ngày không khỏi, mụn nhọt khó liền miệng.
Long đởm chích rượu: sau khi trộn đều, ủ 30 phút ngâm hết rượu. Dùng nhỏ lửa sao tới khô, cũng có thể sao long đởm tới nóng già rồi phun vào rượu tiếp tục sao tới vàng là được. Công dụng thanh nhiệt táo thấp… dùng trong các bệnh can đởm thấp nhiệt như bệnh viêm gan, viêm túi mật. Còn dùng để trừ sỏi gan mật, sỏi thận, bàng quang. Chế rượu hướng khí vị của long đởm lên thượng tiêu, trị bệnh đau mắt đỏ, đau họng.
Lộc giác
Lộc giác chế rượu: lấy các khúc lộc giác đã chế ở cho vào một thùng tôn hoặc nồi nhôm, xếp ngang, đổ rượu vào ngâm. Chưng 2 giờ, lúc còn nóng đem chẻ phiến dầy 3 – 5mm. Phơi khô. Công dụng: vị thuốc bổ dương, bổ thận, dùng trong các trường hợp thận hư, liệt dương, xương cốt đau mỏi, đau lưng gối, lợi sữa.
Lộc nhung:
Lộc nhung chế rượu: sau khi loại hết lông, nhung được ngâm rượu cho mềm rồi đem thái phiến dày 3 – 5mm; sau đó các phiến được đặt trên ván phẳng, ép cho thật phẳng, phơi âm can. Cũng có thể sau khi ngâm rượu, đem chưng lộc nhung cho mềm để thái phiến; đôi khi sau khi ngâm rượu, cần bọc lớp vải thưa, rồi mới chưng cho mềm.
Lộc nhung trích rượu: lộc nhung phiến, tẩm rượu, để 30 phút, sao khô. Công dụng: lộc nhung có tác dụng bổ dương, bổ thận dương, dùng cho các trường hợp chân khí kém hoặc liệt dương, di mộng tinh, lưng gối đau mỏi.
Xa tiền tử chích rượu: trộn đều rượu vào xa tiền tử cho thấm đều. Dùng lửa nhỏ sao đến khi phồng lên. Cũng có thể sao phồng hạt rồi phun rượu vào; sao tới khô. Công dụng: xa tiền tử có tác dụng lợi niệu thông lâm, dùng cho bệnh tiểu đỏ, tiểu buốt, nói chung là bệnh viêm nhiễm đường tiết niệu, kể cả sỏi tiết niệu. Chế rượu tăng tác dụng bổ của thuốc.
Ngoài ra còn rất nhiều vị thuốc được ngâm tẩm rượu, sẽ bàn vào dịp khác.
Theo Suckhoedoisong