Đó chính là hi vọng từ thử nghiệm lần đầu được áp dụng tại Việt Nam, đang triển khai tại bốn cơ sở chuyên ngành phụ sản là Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản trung ương, khoa sản Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt – Pháp.
Dùng thuốc từ tuần thai 32
Chị L.T.H. (27 tuổi, Hà Nội) phát hiện mắc viêm gan B mãn tính trước khi có thai. Kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ virút trong máu của chị rất cao, lên đến hơn 10 triệu virút/ml máu. Khi đi khám thai tại Bệnh viện Phụ sản trung ương, chị H. được giới thiệu tham gia “Chương trình quốc gia phòng lây truyền virút viêm gan từ mẹ sang con”.
Theo đó, từ tuần thai thứ 32, chị H. được bác sĩ chỉ định dùng thuốc kháng virút cho đến khi sinh bé được một tháng. Xét nghiệm máu cuống rốn của bé trai con chị ngay sau khi sinh đã cho kết quả âm tính với HBV. Bé được tiếp tục theo dõi sức khỏe và hoàn tất các xét nghiệm liên quan cho đến khi tròn 12 tháng tuổi.
Bé Lê Khôi Nguyên- con chị H. – đã có kết quả xét nghiệm mẫu máu cuống rốn âm tính với HBV – Ảnh: Ngọc Hà
Theo Th.S Lê Thị Lan Anh (ĐH Y Hà Nội), chị H. là một trong 20 bà mẹ mang thai đang được hưởng lợi từ đề tài “hợp tác nghiên cứu phòng lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con bằng thuốc kháng virút”. Việc kéo dài thời gian dùng thuốc cho đến sau khi bà mẹ sinh con một tháng, giúp việc điều trị dự phòng không chỉ có ý nghĩa với trẻ, mà còn giúp ngăn ngừa việc phát sinh những biến chứng nguy hiểm của bệnh viêm gan B thời kỳ hậu sản.
PGS.TS Nguyễn Văn Bàng – Phó trưởng khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai, chủ nhiệm chương trình quốc gia phòng lây truyền virút viêm gan từ mẹ sang con – cho hay đa số bà mẹ có nồng độ HBV cao bị vàng da sau sinh nhưng không đến mức nguy hiểm. Song còn 5-10% bà mẹ sinh biến chứng viêm gan cấp, hôn mê gan, chảy máu gan nên cần thiết phải tiếp tục dùng thuốc dự phòng.
Hiện mới có 20 bà mẹ được giới thiệu tham gia dùng thuốc. Tuy nhiên, theo PGS Bàng, bất cứ bà mẹ mang thai nào có nồng độ virút máu cao (trên 10 triệu virút/ml máu) đều có thể liên hệ trực tiếp đến chương trình để dự phòng, tránh truyền bệnh cho con.
Trong giai đoạn thử nghiệm hiện tại, bệnh nhân sẽ được dùng thuốc miễn phí. Khi chương trình triển khai đại trà, nếu muốn dự phòng, tổng chi phí gia đình phải chi trả sẽ ở mức 15-20 triệu đồng/ca.
Ngừa lây nhiễm cho 100.000 trẻ/năm
Thực tế Việt Nam nằm trong vùng dịch tễ của nhiễm virút viêm gan B mãn tính với tỉ lệ mang HBsAg trung bình 15% (khoảng 12 triệu người mang HBsAg mãn tính, trong đó hơn 6 triệu người là nữ với hơn 2 triệu phụ nữ trong độ tuổi sinh sản).
“Gần đây chương trình quốc gia được Bộ Y tế cấp kinh phí nghiên cứu các phương pháp tiêm chủng ở trẻ sơ sinh – con các bà mẹ mang HBV mãn tính, nhưng kết quả vẫn có một tỉ lệ khá cao, hơn 10% số trẻ này trở thành người mang HBV mãn tính” – PGS Bàng nói.
Trẻ là con của bà mẹ mang HBV mãn tính được tiêm chủng ngay văcxin 12-24 giờ đầu sau khi sinh sẽ có thể thải trừ virút lên đến 70-80%. Nếu được tiêm thêm globulin miễn dịch đặc hiệu chống HBV ngay sau sinh và lúc một tháng tuổi sẽ giảm trừ thêm 10% tỉ lệ trở thành người mang HBV mãn tính.
Nghĩa là dù trẻ được tiêm phòng đầy đủ bằng các loại văcxin tốt nhất và thuốc miễn dịch đặc hiệu thì vẫn còn một tỉ lệ đáng kể (15-18%) thành người bệnh viêm gan mãn tính khi trưởng thành. Lý do là trong khi mang thai, virút HBV ở mẹ nhân lên mạnh mẽ khiến người mẹ có nồng độ virút trong máu quá cao (trên 10 triệu virút/ml máu), vượt quá khả năng ngăn cản của rau thai, tràn sang máu con từ trước khi sinh nên khi trẻ ra đời, các biện pháp phòng bệnh không hiệu quả nữa.
“Nếu theo đúng các quy trình phòng lây nhiễm HBV từ mẹ sang con, hằng năm vẫn có đến trên 100.000 trẻ sinh ra dù được phòng bệnh đúng vẫn trở thành người mang HBsAg mãn tính và sẽ bị xơ gan hoặc ung thư gan ở tuổi 25-30. Dùng thuốc kháng virút từ trong bụng mẹ có thể lấp khoảng trống này” – PGS Bàng khẳng định.
Theo Suckhoedoisong