Bệnh nấm đường sinh dục tuy không gây tử vong nhưng khiến nhiều chị em gặp khó khăn trong sinh hoạt.
Càng gãi càng ngứa
Theo BS Phan Văn Thám, Trưởng khoa sản 2 (BVĐK Đồng Nai), bệnh nấm đường sinh dục chủ yếu do nấm candida gây nên. Loại nấm này đều có ở cơ quan sinh dục cả nam và nữ. Nhưng do môi trường vùng kín của chị em khá ẩm ướt, khiến nấm này sinh sôi nảy nở rất nhanh. Bệnh nấm candida không phải là một bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhưng sinh hoạt tình dục tạo điều kiện thuận lợi cho vi nấm phát triển.
Triệu chứng của bệnh nấm đường sinh dục là ngứa. Do vậy, bệnh nhân phải gãi và càng gãi càng ngứa, làm xây xước âm hộ khiến nấm càng lan rộng. Khi bị bệnh này, chị em thường thấy khí hư màu trắng đục như váng sữa ra nhiều hơn, hôi hoặc không hôi, đi tiểu buốt, đau rát khi giao hợp. Ở một số nam giới, biểu hiện thường gặp là cảm giác bỏng rát quy đầu, ngứa, quy đầu và bao da đỏ, có nhiều vết rạn nứt và nhiều chất nhầy màu vàng trắng, để lâu sẽ gây viêm niệu đạo. Bệnh này làm tăng nguy cơ nhiễm HIV ở cả hai giới.
Đơn giản, nhưng khó điều trị dứt hẳn
Do nước ta ở vào vùng khí hậu ẩm ướt, nên phụ nữ cũng dễ bị bệnh nấm đường sinh dục, dễ tái đi tái lại nhiều lần và hầu như bất kỳ người phụ nữ nào cũng bị bệnh này ít nhất một lần trong đời. Nếu mắc bệnh, chị em nên đến các phòng khám phụ khoa của các cơ sở y tế để được điều trị bằng việc kết hợp thuốc uống với thuốc đặt hoặc thuốc bôi. Không nên đi chữa tại các cơ sở điều trị gia truyền, sẽ làm bệnh nặng thêm.
Đối với trường hợp bệnh tái phát nhiều lần, cần kiểm tra có phải bị bệnh đái tháo đường hoặc dùng kháng sinh kéo dài, thuốc tránh thai có estrogen… đây là các nguyên nhân gây suy giảm sức đề kháng, tạo thuận lợi cho nấm phát triển. Một nguyên nhân khác khiến bệnh tái phát nhiều lần là quan hệ tình dục khi bệnh chưa dứt hẳn. Đối với nam giới thường không cần điều trị vì bệnh có thể tự khỏi, tuy nhiên nếu bị viêm bao quy đầu thì có thể bôi các kem chống nấm.
Đề phòng và ngăn ngừa bệnh nấm đường sinh dục (ảnh minh họa)
Cách phòng ngừa
Bệnh nấm đường sinh dục tuy điều trị đơn giản nhưng lại khó điều trị dứt hẳn hoàn toàn. Vì thế, để phòng ngừa bệnh này, chị em cần thực hiện một số điều cần thiết sau:
Sau khi vệ sinh, nên chùi giấy từ trước ra sau để tránh mang các vi khuẩn từ hậu môn lên âm đạo
Tránh tự ý thụt rửa âm đạo vì sẽ làm mất cần bằng vi khuẩn cư trú tại âm đạo – là vi khuẩn có lợi) chuyên tiêu diệt những vi khuẩn gây hại. Thụt rửa âm đạo cũng làm mất cân bằng độ pH của âm đạo, gây nên tình trạng viêm nhiễm
Không nên mặc quần áo quá dày bí, quá chật hay ẩm ướt. Chị em nên thay quần lót ít nhất 2 lần trong ngày, giặt phơi ngoài nắng và ủi cả mặt trong – ngoài trước khi mặc, nên sử dụng đồ lót có chất cotton, giữ cho môi trường vùng kín được khô, thoáng
Tránh giao hợp hoặc giao hợp phải mang bao cao su cho đến khi khỏi bệnh hoàn toàn.
Tránh để béo phì vì đó cũng là một trong những nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh nấm đường sinh dục hơn ở phụ nữ.
Theo Eva