Con trai là thực phẩm rất quen thuộc trong bữa ăn của người Việt. Thịt trai giàu đạm, canxi, phốt pho, một số vitamin như B1, B2, PP, C và đặc biệt là có rất nhiều kẽm. Ngoài làm thực phẩm, trai còn có nhiều tác dụng chữa bệnh.
Theo Đông y, trai có vị ngọt đậm, tính hàn, có công năng bổ âm, thanh nhiệt, sáng mắt, giải độc: thường dùng cho trẻ em hay ra mồ hôi trộm, chậm lớn, phụ nữ băng huyết, khí hư, chữa mắt bị sưng đỏ do nhiệt, nhặm mắt. Dùng tốt cho người bị lòi dom, trĩ chảy máu. Thịt trai khô được dùng làm thức ăn và thuốc bổ thận tráng dương từ xa xưa của y học Đông phương. Sau đây là một số cách dùng thịt trai để phòng chữa bệnh.
Cháo trai: trai làm sạch luộc lấy nước, trai thái rồi ướp mắm tiêu, nấu cháo nhừ rồi cho trai vào quấy đều, cho gia vị, hành răm nếu cho người lớn ăn; cho lá dâu thái chỉ cho trẻ em, ăn nóng. Dùng bổ âm, chữa ra mồ hôi trộm.
Canh chua trai: trai luộc chín thái nhỏ ướp gia vị mắm muối xào săn với cà chua hoặc quả dọc, hoặc me. Nấu nước luộc trai (lọc trong) vào đun sôi, cho hành, thìa là, rau răm ăn nóng. Phụ nữ có thai ăn tốt cho cả mẹ và con.
Trai nướng: trai to, cậy khéo (không làm sứt vỡ) lấy trai ra băm nhỏ cùng mộc nhĩ, giò sống, hành củ băm nhỏ, gia vị, trộn đều viên tròn, cho vào trong vỏ trai. Nướng trên bếp than, ăn nóng chấm mắm chanh ớt. Dạng này thích hợp với người “yếu sinh lý”.
Trai hấp: làm như trên nhưng với thịt ba chỉ băm nhỏ cùng trai trộn với gia vị cho vào vỏ, xếp vào nồi hấp chín. Món này tốt cho người già.
Chả trai: trai làm sạch, thái nhỏ, ướp gia vị. Lấy 1 miếng trai với một miếng thịt ba chỉ. Hoặc thịt nạc băm với trai, ướp gia vị sau đó bọc lá xương sông hoặc lá lốt đem nướng trực tiếp trên than củi hoặc xếp vào vỉ kẹp nướng. Món này tốt cho người hay nhức mỏi cơ xương khớp, ho có đờm.
Huyết nhiệt phong thịnh mạn tính gây viêm da thần kinh: thịt trai 30g, rau kim châm 15g, tua mướp 10g, muối lượng vừa ăn. Nấu canh mỗi ngày liền 1 – 2 tuần.
Trường hợp can thận hư tổn, đau đầu hoa mắt: thịt trai 250g, câu kỷ tử 15g, cúc hoa 15g. Sắc nước thuốc rồi thêm đủ nước để hầm thịt trai.
Âm huyết hư tổn: thịt trai 75g, thịt ba chỉ 125g, thái miếng nhỏ. Nấu thịt trai trước cho sôi vớt bỏ bọt, rồi cho thịt lợn vào. Cho gia vị ăn nóng với hạt tiêu, rau răm.
Lưu ý: trai tính lạnh, để đề phòng gây rối loạn tiêu hóa, nên nấu chín và cho các gia vị có tính ôn ấm như hạt tiêu, gừng, rau răm, hành.
Theo suckhoedoisong